Những Hiểu Lầm Về Bệnh Lý Khô Mắt, Tăng Cường Nhận Thức Cho Bệnh Nhân

Theo TS.BS Trịnh Xuân Trang, BS Đào Thị Thu Hiền
12/1/2023

Khô mắt là một trong những tình trạng bệnh lý về mắt phổ biến nhất hiện nay.1 Ngày nay, cùng với sự phát triển của internet, bệnh nhân có thể dễ dàng, tìm kiếm các thông tin về bệnh. Tuy nhiên, điều này cũng khiến bệnh nhân bị bối rối giữa các nguồn tin khác nhau, thậm chí có những quan điểm sai lầm về bệnh khô mắt. Bài viết này liệt kê những hiểu lầm thường gặp về bệnh khô mắt và làm sáng tỏ những quan điểm đó.

Hiểu lầm  #1

Khô mắt là bệnh lý của người già

Khô mắt phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Một nghiên cứu năm 2016 đã cho thấy tỷ lệ mắc khô mắt ở trẻ em từ 7 đến 12 tuổi là 6,6%.2 Các yếu tố nguy cơ gồm sử dụng thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại thông minh, sử dụng thuốc kháng histamine, thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc tránh thai, sử dụng kính tiếp xúc và tiền sử phẫu thuật tại mắt.

Thực tế:
Khô mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Những Hiểu Lầm Về Bệnh Lý Khô Mắt
Khô mắt có thể gặp ở mọi lứa tuổi

Hiểu lầm  #2

Khô mắt là do sản xuất thiếu nước mắt

Thuật ngữ “khô mắt” khiến một số bệnh nhân nhầm lẫn tất cả trường hợp khô mắt là do mắt sản xuất không đủ lượng nước mắt. Thực tế là, khô mắt xảy ra khi lớp màng nước mắt không ổn định do suy giảm về chất lượng và/hoặc số lượng. Nghĩa là dù mắt bạn sản xuất đủ lượng nước mắt, nhưng chất lượng nước mắt không đảm bảo, dễ bị bay hơi thì bạn vẫn bị khô mắt.

Thực tế:
Khô mắt là do nước mắt không đảm bảo về chất lượng và/hoặc số lượng

Hiểu lầm  #3

“Tôi thường xuyên chảy nước mắt nên tôi không thể bị khô mắt”

Chảy nước mắt quá nhiều là một triệu chứng phổ biến của khô mắt. Do tình trạng khô bề mặt mắt có thể kích thích quá mức việc sản xuất thành phần nước trong nước mắt của bạn, tuy nhiên chất lượng nước mắt kém, như đã nêu ở trên.

Thực tế:
Chảy nước mắt là một triệu chứng thường gặp của khô mắt

Hiểu lầm  #4

Triệu chứng duy nhất của khô mắt là “cảm giác mắt bị khô”

icon1
Nóng rát tại mắt
icon3
Sợ ánh sáng
icon4
Mỏi mắt
icon5
Chảy nước mắt

Trong quá trình khám bệnh, khi được hỏi: “Bác có cảm giác khô mắt không?”, rất nhiều bệnh nhân trả lời là “Không” nhưng bệnh nhân có các triệu chứng sau:

icon7
Nhìn mờ
icon6
Đỏ mắt
icon2
Cộm xốn, cảm giác như có dị vật trong mắt

Những triệu chứng này khiến bệnh nhân lo sợ mình bị một bệnh lý mắt nào khác nặng nề hơn, tuy nhiên đây có thể chỉ là dấu hiệu của khô mắt.

Thực tế:
Khô mắt có nhiều triệu chứng hơn những gì bạn nghĩ

Hiểu lầm  #5

Khô mắt chỉ gây khó chịu cho người bệnh nên việc điều trị khô mắt không quan trọng

Nước mắt có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ mắt, chính vì vậy, khô mắt không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn là một yếu tố nguy cơ cho các bệnh lý bề mặt nhãn cầu khác như viêm loét giác mạc,... Do đó việc điều trị khô mắt là rất cần thiết.

Điều trị khô mắt góp phần tối ưu hóa kết quả phẫu thuật. Mặc dù các phẫu thuật mắt hiện nay (như phẫu thuật khúc xạ) đã đạt tiêu chuẩn cao về an toàn và hiệu quả, nhưng một số bệnh nhân sau phẫu thuật có các dấu hiệu khô mắt dai dẳng, thậm chí vài năm sau phẫu thuật. Khô mắt có thể khiến cho thị lực của bệnh nhân không đạt tối đa, gây các triệu chứng kích thích và ảnh hưởng tới sự hài lòng của người bệnh.3,4

Những Hiểu Lầm Về Bệnh Lý Khô Mắt
Điều trị khô mắt góp phần tối ưu hóa kết quả phẫu thuật

Khô mắt cũng rất phổ biến ở những bệnh nhân tăng nhãn áp đang được điều trị thuốc nhỏ. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng tăng theo số lượng thuốc được sử dụng và có tác động tiêu cực đến việc tuân thủ điều trị và có thể giảm hiệu quả kiểm soát nhãn áp.5,6

Thực tế:
Điều trị khô mắt rất quan trọng

Hiểu lầm  #6

Phương pháp điều trị duy nhất của khô mắt là nhỏ thuốc

Thuốc nhỏ không phải là phương pháp duy nhất để điểu trị khô mắt, việc điều trị khô mắt phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, nguyên nhân và các bệnh lý kèm theo. Bao gồm: thay đổi thói quen sinh hoạt và môi trường sống, sử dụng nước mắt nhân tạo, điều trị bệnh lý bờ mi, đặt kính tiếp xúc, đặt nút chặn điểm lệ. Và các phương pháp khác tùy theo nguyên nhân, như: phẫu thuật khâu cò mi,...1

Thực tế:
Có nhiều phương pháp để điều trị khô mắt, tùy từng trường hợp cụ thể để lựa chọn phương pháp điều trị khô mắt

Hiểu lầm  #7

Nước mắt nhân tạo là thuốc nhỏ mắt duy nhất để điều trị khô mắt

Các loại thuốc nhỏ mắt chính để điều trị khô mắt gồm: nước mắt nhân tạo, thuốc chống viêm, kháng sinh, trong đó nước mắt nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị khô mắt phổ biến nhất.

Chính vì sự đa dạng trong các loại thuốc điều trị khô mắt nói nên bệnh nhân không nên tự ý nhỏ thuốc hoặc ngừng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ.

Thực tế:
Nước mắt nhân tạo là một trong các loại thuốc nhỏ mắt dùng để điều trị khô mắt

Hiểu lầm  #8

Tất cả các loại nước mắt nhân tạo đều như nhau và vô hại

Nước mắt nhân tạo gồm dạng có chứa chất bảo quản và dạng không chứa chất bảo quản. Những loại nước mắt nhân tạo khác nhau bổ sung các thành phần khác nhau với các nồng độ khác nhau cho màng nước mắt, làm ổn định màng phim nước mắt hoặc có thể kích thích mắt sản xuất nước mắt.

Nước mắt nhân tạo nhìn chung là an toàn, tuy nhiên không phải là không có tác dụng phụ, một số bệnh nhân có thể bị kích ứng, cộm xốn, nóng rát sau khi nhỏ nước mắt nhân tạo. Nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản làm giảm khả năng dị ứng nhưng có giá thành cao hơn loại có chất bảo quản.7

Thực tế:
Nước mắt nhân tạo có rất nhiều loại, nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản ít gây kích ứng hơn

Những Hiểu Lầm Về Bệnh Lý Khô Mắt
Nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản ít gây kích ứng hơn

Tóm lại, dù khô mắt không phải một tình trạng bệnh lý nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống của bệnh nhân. Những hiểu lầm về bệnh có thể khiến bệnh nhân lo lắng quá mức, hoặc ngược lại, chủ quan, không đi khám bệnh, không tuân thủ điều trị từ đó dẫn tới kết quả điều trị khô mắt chưa được tối ưu. Chính vì vậy, hãy thu nhận thông tin về bệnh một cách chọn lọc, khám mắt khi có các triệu chứng nêu trên và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Với những thông tin trong bài viết trên, hy vọng The Eye Observer đã giúp bạn hiểu thêm về bệnh khô mắt.

Tài liệu tham khảo:
  1. Robert W. W. Section 08: External Disease and Cornea. In: 2022-2023 Basic and Clinical Science Course. ; 2022.
  2. Moon JH, Kim KW, Moon NJ. Smartphone use is a risk factor for pediatric dry eye disease according to region and age: a case control study. BMC Ophthalmol. 2016;16(1):188. doi:10.1186/s12886-016-0364-4
  3. Hanyuda A, Ayaki M, Tsubota K, Negishi K. Discrepancies in Persistent Dry Eye Signs and Symptoms in Bilateral Pseudophakic Patients. J Clin Med. 2019;8(2):211. doi:10.3390/jcm8020211
  4. Labetoulle M, Rousseau A, Baudouin C. Management of dry eye disease to optimize cataract surgery outcomes: Two tables for a daily clinical practice. J Fr Ophtalmol. 2019;42(8):907-912. doi:10.1016/j.jfo.2019.03.032
  5. Ocular Surface Disease and Anti-Glaucoma Medications: Various features, Diagnosis, and Management Guidelines: Seminars in Ophthalmology: Vol 0, No 0. Accessed January 10, 2023. https://www.tandfonline.com/doi/abs/10.1080/08820538.2022.2094714
  6. Zhang X, Vadoothker S, Munir WM, Saeedi O. Ocular Surface Disease and Glaucoma Medications: A Clinical Approach. Eye Contact Lens. 2019;45(1):11-18. doi:10.1097/ICL.0000000000000544
  7. Over the counter (OTC) artificial tear drops for dry eye syndrome - PMC. Accessed January 10, 2023. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5045033/
TS.BS TRỊNH XUÂN TRANG
Phó trưởng điều hành Bộ môn Mắt
Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh
Bác sĩ điều trị - BV Mắt TP Hồ Chí Minh
BS Đào Thị Thu Hiền
Giảng Viên Bộ Môn Mắt
Trường Đại Học Y Dược Hải Phòng