Bệnh Lý Khô Mắt

Theo THS.BS Dương Nguyễn Việt Hương, Ths.BS Nguyễn Huỳnh Yến Nhi
10/1/2023

Khô mắt là bệnh lý thường gặp, gây ra những khó chịu tại mắt, làm giảm năng suất công việc và hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt cá nhân, cũng như hưởng thụ cuộc sống. Theo thống kê tại Việt Nam có khoảng 4 đến 6 triệu người bị khô mắt, trong đó chỉ mới khoảng 20% bệnh nhân được điều trị.

Nước mắt là một lớp màng cực mỏng phủ lên bề mặt mắt, có vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng và bảo vệ mắt. Nước mắt gồm ba thành phần chính là lipid, nước và nhầy với các chức năng khác nhau. Màng phim nước mắt luôn được trải đều và tái tạo sau mỗi lần chớp mắt.1 Phần nước mắt thừa sẽ trôi vào góc trong mắt (điểm lệ) và thoát ra qua hệ thống lệ đạo. Khô mắt xảy ra khi lớp màng phim nước mắt không ổn định do suy giảm về chất lượng và/hoặc số lượng, gây ra các triệu chứng khác nhau tại mắt. Các triệu chứng có thể gặp phải khi bị khô mắt bao gồm:2

icon1
Nóng rát tại mắt
icon2
Cộm mắt
icon3
Sợ ánh sáng
icon4
Mỏi mắt
icon5
Chảy nước mắt
icon6
Đỏ mắt
icon7
Nhìn mờ hơn hoặc dao động (lúc rõ, lúc mờ)

Nguyên Nhân Gây Khô Mắt

Có nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến khô mắt. Tỷ lệ khô mắt tăng dần theo tuổi, nữ giới nhiều hơn nam giới. Các bệnh lý toàn thân có liên quan đến khô mắt bao gồm bệnh tự miễn (hội chứng Sjogren, lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…), bệnh nội tiết (đái tháo đường, bệnh tuyến giáp), bệnh mụn trứng cá đỏ, hội chứng Steven Johnson, bệnh pemphigoid, bệnh ghép chống chủ. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng và kháng histamine cũng có thể gây khô mắt. Tiền sử phẫu thuật mắt, chiếu xạ hốc mắt, chấn thương mắt (do nguyên nhân cơ học, hóa học, nhiệt), đeo kính tiếp xúc là các yếu tố nguy cơ tại chỗ có thể dẫn đến khô mắt. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm không gian nhiều gió, có máy điều hòa, độ ẩm thấp; hay các hoạt động liên quan đến giảm tần suất chớp mắt như đọc sách, sử dụng thiết bị điện tử từ 2 giờ trở lên trong ngày (điện thoại, máy tính, ti vi…).3

Bệnh Lý Khô Mắt
Nguyên nhân gây khô mắt

Chẩn Đoán Khô Mắt

Các bộ câu hỏi có thể được sử dụng để đo lường mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng khô mắt cũng như tác động đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Sau đó, bác sĩ nhãn khoa sẽ tiến hành thăm khám để đánh giá tình trạng khô mắt. Quy trình thăm khám bao gồm kiểm tra thị lực, khám bằng đèn khe chuyên dụng để đánh giá lớp màng phim nước mắt, các dấu hiệu của khô mắt. Một số khám nghiệm đánh giá khô mắt được thực hiện như đo chiều cao liềm nước mắt, test Schirmer (dùng băng giấy thấm có chia vạch để đo lường sự chế tiết nước mắt), đo thời gian vỡ phim nước mắt và nhuộm bề mặt mắt để khảo sát tổn thương kết mạc, giác mạc, bờ mi. Ngoài ra, có thể sử dụng thiết bị chuyên dụng để đo lường lớp nước mắt, thời gian vỡ phim nước mắt và chụp hình tuyến bờ mi.

Thời gian gần đây, nhờ có sự tiếp cận ngày càng thường xuyên của các bác sĩ nhãn khoa Việt Nam với các nghiên cứu, công bố quốc tế, hội thảo chuyên đề khu vực châu Á và thế giới, hiểu biết về khô mắt của các bác sĩ ngày càng đầy đủ và chuyên sâu hơn. Vừa qua, nhóm chuyên gia khô mắt và bệnh lý bề mặt nhãn cầu Việt Nam đã xuất bản quyển sách đầu tiên hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị bệnh lý khô mắt. Tài liệu bao gồm các nội dung về bệnh sinh khô mắt, khám bệnh nhân khô mắt, phương pháp tiếp cận chẩn đoán theo tình hình Việt Nam và cách thức điều trị. Quyển sách cũng nhấn mạnh việc chẩn đoán phân loại hình thái khô mắt dựa vào đặc điểm màng phim nước mắt. Đây là xu hướng nổi bật hiện nay trong thực hành chẩn đoán bệnh lý khô mắt trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á. Chỉ với một que nhuộm fluorescein và không cần thêm các khám nghiệm phức tạp, bác sĩ nhãn khoa có thể đánh giá đặc điểm màng phim nước mắt và các diễn biến trong quá trình dàn trải nước mắt lên bề mặt mắt, qua đó biết được thành phần nào của nước mắt đang bị thiếu hụt và đưa ra chiến lược điều trị phù hợp. Việc đánh giá phim nước mắt với fluorescein không mất nhiều thời gian với chi phí tối thiểu, giúp chẩn đoán và điều trị khô mắt hiệu quả trong bối cảnh dân số khô mắt ngày càng tăng cùng với lối sống hiện đại (màn hình điện tử, máy điều hoà, phẫu thuật điều trị cận - viễn thị, đeo kính tiếp xúc điều trị hay thẩm mỹ…).4

Bệnh Lý Khô Mắt
Chẩn đoán khô mắt

Điều Trị Khô Mắt

Icon8

Bổ sung nước mắt

Sử dụng nước mắt nhân tạo hay chất bôi trơn là liệu pháp điều trị chủ yếu trong khô mắt. Nước mắt nhân tạo bổ sung một hoặc nhiều thành phần của nước mắt cùng với các chất làm tăng độ nhớt, tăng lưu giữ nước trên bề mặt mắt. Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm nước mắt nhân tạo khác nhau, đa số đều có độ an toàn cao và tương thích tốt với mắt.5,6
Icon9

Lưu giữ nước mắt

Thông thường nước mắt sẽ thoát đi qua một lỗ ở góc trong mắt gọi là điểm lệ. Trong trường hợp suy giảm số lượng nước mắt, ngoài việc bổ sung nước mắt còn có thể ngăn cản sự thoát lưu của nước mắt bằng cách đặt các loại nút chặn vào lỗ này hoặc đóng điểm lệ bằng phẫu thuật.7
Icon10

Kích thích tăng tiết nước mắt

Thuốc kích thích tiết nước mắt có thể dùng tại chỗ ở mắt hoặc đường toàn thân. Ở nước ta hiện nay chủ yếu sử dụng thuốc kích thích tiết nước mắt tại chỗ. Với cơ chế đặc biệt kích thích thụ thể P2Y2 TB biểu mô & tế bào đài, tương tự như các chất chủ vận P2Y2 khác (ATP, UTP…), gây tăng tiết nước và mucin. Đây là thuốc nhỏ mắt có tác dụng kích thích tiết thành phần nước và nhầy của nước mắt. Thuốc có khả năng cải thiện các triệu chứng khô mắt, thể tích nước mắt và thời gian vỡ màng phim nước mắt.8,9
Icon11

Chống viêm

Điều trị viêm cũng đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý khô mắt. Đối với các thuốc kháng viêm mạnh, có tác dụng nhanh nhưng sử dụng kéo dài có thể gây ra tác dụng phụ như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và nhiễm trùng cơ hội. Do đó, sử dụng thuốc kháng viêm cần có chỉ định của bác sĩ và chỉ dùng trong thời gian ngắn. Các thuốc điều hòa miễn dịch cũng được sử dụng để kiểm soát viêm trong điều trị khô mắt.10,11
Icon12

Điều trị bệnh lý bờ mi

Các loại kháng sinh đường uống có tác dụng chống viêm thường được dùng trong điều trị khô mắt liên quan đến rối loạn tuyến bờ mi. Trong trường hợp viêm bờ mi trước, cần vệ sinh mi đều đặn hằng ngày bằng tăm bông tẩm dung dịch sát khuẩn chuyên dụng hoặc miếng vệ sinh mi chuyên dụng. Khi tuyến bờ mi bị bít tắc do thay đổi đặc tính của chất tiết tuyến cần thực hiện chườm ấm mi hằng ngày. Có thể thực hiện chườm bằng các dụng cụ như khăn mềm được làm ấm hoặc các thiết bị chườm ấm. Mục đích của việc chườm ấm nhằm làm hóa lỏng chất tiết bên trong tuyến bờ mi và giải phóng tắc nghẽn. Các biện pháp điều trị bệnh lý bờ mi khác được thực hiện tại phòng khám bao gồm nặn tuyến bờ mi, điều trị với hệ thống xung nhiệt Lipiflow hoặc ánh sáng xung cường độ cao (IPL).12

Ngoài các phương pháp điều trị trên, The Eye Observer còn cho rằng việc điều chỉnh môi trường và lối sống cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị khô mắt. Cần cải thiện hoặc tránh các điều kiện môi trường gây khô mắt như bớt gió, điều chỉnh nhiệt độ, bổ sung độ ẩm, làm sạch không khí nơi ở. Khi sử dụng thiết bị điện tử (máy vi tính, điện thoại,…), cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, lắp đặt màn hình thấp hơn mắt để mắt làm việc ở tư thế nhìn xuống, lưu ý chớp mắt thường xuyên trong quá trình làm việc. Ngoài ra cần cung cấp đủ nước cho cơ thể (ít nhất 1,5 lít/ngày), bổ sung các acid béo cần thiết, tăng cường các thức ăn chứa omega-3 (các loại cá như cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá thu, hạt chia, quả óc chó), các vitamin và khoáng chất có tác dụng chống oxy hóa và giúp cải thiện tình trạng khô mắt. Về lối sống, cần lưu ý sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng lo âu và các chất kích thích rượu, bia, thuốc lá có thể ảnh hưởng không tốt đến mắt.4

Tài liệu tham khảo:
  1. Yokoi N. TFOD and TFOT: Expert Lecture - Paradigm Shift in the Clinical Practice for Dry Eye: Medical Review Co.,Ltd.; 2020.
  2. OSID Expert Working Group. Assessment, Diagnosis and Management of Dry Eye Disease: Santen VisionAcademy; 2020.
  3. Wolffsohn JS, Arita R, Chalmers R, et al. TFOS DEWS II Diagnostic Methodology report. The ocular surface. Jul 2017;15(3):539-574.
  4. Hội Nhãn khoa Việt Nam. Khuyến nghị trong thực hành lâm sàng: Chẩn đoán và điều trị bệnh lý khô mắt tại Việt Nam: Nhà xuất bản Y học; 2022.
  5. Moshirfar M, Pierson K, Hanamaikai K, Santiago-Caban L, Muthappan V, Passi SF. Artificial tears potpourri: a literature review. Clinical ophthalmology (Auckland, N.Z.). 2014;8:1419-1433.
  6. Tong L, Petznick A, Lee S, Tan J. Choice of artificial tear formulation for patients with dry eye: where do we start? Cornea. Nov 2012;31 Suppl 1:S32-36.
  7. Ervin AM, Law A, Pucker AD. Punctal occlusion for dry eye syndrome. The Cochrane database of systematic reviews. Jun 26 2017;6(6):Cd006775.
  8. Koh S, Ikeda C, Takai Y, Watanabe H, Maeda N, Nishida K. Long-term results of treatment with diquafosol ophthalmic solution for aqueous-deficient dry eye. Japanese journal of ophthalmology. Sep 2013;57(5):440-446.
  9. Shimazaki-Den S, Iseda H, Dogru M, Shimazaki J. Effects of diquafosol sodium eye drops on tear film stability in short BUT type of dry eye. Cornea. Aug 2013;32(8):1120-1125.
  10. Yang CQ, Sun W, Gu YS. A clinical study of the efficacy of topical corticosteroids on dry eye. Journal of Zhejiang University. Science. B. Aug 2006;7(8):675-678.
  11. Utine CA, Stern M, Akpek EK. Clinical review: topical ophthalmic use of cyclosporin A. Ocular immunology and inflammation. Oct 2010;18(5):352-361.
  12. Geerling G, Tauber J, Baudouin C, et al. The international workshop on meibomian gland dysfunction: report of the subcommittee on management and treatment of meibomian gland dysfunction. Investigative ophthalmology & visual science. Mar 30 2011;52(4):2050-2064.
THS.BS Dương Nguyễn Việt Hương
Giảng Viên Bộ Môn Mắt Trường Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh
Bác sĩ điều trị - Khoa Giác Mạc – Bệnh Viện Mắt TP Hồ Chí Minh
Giám đốc Y Khoa: Phòng Khám Jio Health
Ths.BS Nguyễn Huỳnh Yến Nhi
Bác sĩ điều trị - Bệnh viện Đa Khoa Mắt Sài Gòn